Đối phó với dịch Covid-19 : Trung Quốc thiệt hại hàng trăm tỉ USD

VHO- Theo South China Morning Post, trong phát biểu ngày 23.2, cựu phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo dịch Covid-19 đã khiến Trung Quốc thiệt hại gần 185 tỉ USD chỉ trong hai tháng qua.

Đối phó với dịch Covid-19 : Trung Quốc thiệt hại hàng trăm tỉ USD - Anh 1

 Covid-19 khiến Trung Quốc thiệt hại gần 185 tỉ USD trong 2 tháng qua Ảnh: REUTERS

Nhiều biện pháp mạnh

Cụ thể, ngành du lịch nước này bị đánh bay gần 128 tỉ USD, trong khi sức mua tiêu dùng giảm gần 57 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết mức thiệt hại này chiếm khoảng 3,3% tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong năm 2019. Mặc dù chi tiêu qua mạng - đặc biệt về giáo dục và các dịch vụ giải trí - có thể bù lại một số thiệt hại nhưng tổng thiệt hại đối với nền kinh tế trong 2 tháng đầu tiên của năm có thể lên tới 1,38 nghìn tỉ Nhân dân tệ (khoảng 185 tỉ USD). Ông Zhu, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu tài chính quốc gia tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói thêm: “Mức tiêu thụ giảm mạnh trong quý đầu của năm 2020 có thể đánh bay mức tăng trưởng từ 3-4 điểm phần trăm. Chúng ta cần sự phục hồi mạnh mẽ và điều đó cần nỗ lực gấp 10 lần”. Chi tiêu tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, chiếm gần 60% tăng trưởng trong năm ngoái. Nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 cho tới nay chưa được kiểm soát, nhiều chính quyền địa phương đã không cho phép các địa điểm công cộng như nhà hàng và rạp chiếu phim mở cửa trở lại. Số liệu của ông Zhu không bao gồm lượng xe ô tô tiêu thụ, vốn giảm 20,5% trong tháng 1, mức giảm theo tháng cao nhất trong vòng 15 năm qua, theo số liệu của Hiệp hội ô tô khách Trung Quốc.

Ông Zhang Jiazhui, cộng tác viên tại Trung tâm nghiên cứu Taihe cho rằng, đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc. Trong quý I.2020, kinh tế Trung Quốc có thể thiệt hại lên tới 1.000 tỉ Nhân dân tệ (143,1 tỉ USD), khoảng 1% GDP của nước này. Ông Zhang Jiazhui cho hay, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp mạnh để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 như: đóng cửa Vũ Hán và một số thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc trong thời gian dài, nhanh chóng hủy bỏ các sự kiện lớn và cho phép trả vé máy bay miễn phí nhằm giảm thiểu số lượng các chuyến đi trong nước. “Các biện pháp này thực sự cần thiết để kiềm chế sự lây lan của dịch, nhưng về mặt khách quan, chúng cũng có tác động đáng kể đến kinh tế vĩ mô và vi mô của Trung Quốc”, ông Zhang Jiazhui nói.

Theo ông Zhang, những “đòn” giáng đầu tiên chủ yếu nhằm vào lĩnh vực dịch vụ và ngành công nghiệp khách sạn. Ngoài ra, ngành công nghiệp du lịch cũng chịu thiệt hại đáng kể. Theo ước tính sơ bộ, trong viễn cảnh ngắn hạn, đợt dịch đầu tiên đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế Trung Quốc trong quý đầu năm 2020, dẫn đến thiệt hại gần 1.000 tỉ Nhân dân tệ (143,1 tỉ USD). “Thiệt hại của các doanh nghiệp sản xuất thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Đối với một số công ty, tác động của dịch bệnh này có thể là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, do đó chúng tôi cũng phải chú ý đến tác động lâu dài của đợt bùng phát này”, ông Zhang Jiazhui nhấn mạnh. Đồng thời, theo nhà phân tích này, để đánh giá tác động của dịch bệnh, cần đánh giá khả năng miễn dịch của chính nền kinh tế Trung Quốc, cũng giống như cùng một loại virus ảnh hưởng khác nhau đến những người có khả năng miễn dịch khác nhau. Ông Zhang Jiazhui cho rằng, hiện tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ cấu và chậm dần (cuối năm 2019, GDP tăng 6,1%, là chỉ số tồi tệ nhất trong ba thập kỷ), hiệu quả đầu tư nói chung không được cải thiện đáng kể và vấn đề cơ cấu vẫn đang còn rất nghiêm trọng. Vì vậy, nói gọn lại, dịch bệnh hiện nay tác động trực tiếp và lớn nhất đến ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ ăn uống, du lịch, vận tải và công nghiệp giải trí.

Những phản ứng “ớn lạnh”

Trong khi đó, theo Oxford Economics, một cơ quan dự báo và phân tích kinh tế toàn cầu hàng đầu, Covid-19 có thể làm thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 1,1 nghìn tỉ USD. Oxford Economics cảnh báo sự lây lan của virus sang các khu vực bên ngoài châu Á sẽ làm tăng trưởng toàn cầu giảm 1,3% trong năm nay, tương ứng với 1,1 nghìn tỉ USD thu nhập bị mất đi. Theo mô hình dự báo kinh tế thế giới của tổ chức này, Covid-19 đã gây ra những phản ứng “ớn lạnh” đáng lo ngại do việc các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa, ảnh hưởng đến các nước láng giềng, khiến các công ty phải chật vật tìm nguồn linh kiện cũng như hoàn thiện thành phẩm. Hãng Apple đầu tuần qua đã thông báo đến các nhà đầu tư về việc không đạt được mục tiêu doanh thu quý vì nguồn cung iPhone tạm thời bị hạn chế, cũng như việc giảm chi tiêu của người Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, nếu virus ra khỏi phạm vi châu Á và trở thành đại dịch toàn cầu, một viễn cảnh xấu GDP thế giới sẽ giảm 1,1 nghìn tỉ USD, tương đương 1,3% so với dự báo hiện nay. Mức giảm 1,1 nghìn tỉ USD tương đương thế giới mất toàn bộ sản lượng hằng năm của Indonesia, nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới. Các kịch bản cho thấy GDP thế giới bị ảnh hưởng do sự sụt giảm về tiêu dùng, du lịch lữ hành, một số hiệu ứng trên thị trường tài chính và làm cho đầu tư yếu hơn. Công ty tư vấn khác là Capital Economics cũng cho biết tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc vẫn đang diễn biến phức tạp, vẫn chưa rõ bao lâu nữa thì lệnh cách ly ở nhiều nơi ở Trung Quốc sẽ dẫn đến tình huống phải sa thải hàng loạt và cắt giảm lương trên diện rộng của các công ty.

Khoảng 85% các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán lớn có đủ tiền để trả các khoản nợ và lương trong khoảng 6 tháng mà không có doanh thu. Tuy nhiên, các công ty vừa và nhỏ, có vai trò cung ứng đến 50% việc làm ở khu vực đô thị có thể sẽ không giữ được người lao động. Khảo sát với 1.000 công ty vừa và nhỏ do 2 trường đại học ở Trung Quốc thực hiện cho thấy nếu tình hình không cải thiện, 1/3 doanh nghiệp sẽ hết tiền mặt trong vòng một tuần. Một khảo sát khác với 700 công ty cho thấy khoảng 40% công ty tư nhân sẽ hết tiền mặt trong vòng 3 tháng. 

THẢO ANH

Ý kiến bạn đọc